×
TÌM KIẾM

Những lý do thúc đẩy sự cầu nguyện

Bởi Dan Hayes

Tôi biết cầu nguyện là quan trọng. Tất cả những người tin kính mà tôi từng gặp đều làm chứng cho bản chất quan trọng của việc cầu nguyện trong đời sống họ. Vì vậy, tôi hiểu rằng tôi nên cầu nguyện, nhưng . . .

Vâng, nói thật là... Dường như động cơ cầu nguyện của chúng ta thường hướng đến kết quả, chỉ đơn giản là để nhận được câu trả lời. Lời cầu nguyện có thể giống như một danh sách mua sắm: “Lạy Cha chúng con ở trên trời… Xin cho con, xin cho con, xin cho con! Đây là một kiểu cầu nguyện “mua sắm mệt nghỉ”. Nhưng không hiểu sao tôi không thể coi đó là lý do chính (và chắc chắn không phải là lý do thỏa mãn nhất) để cầu nguyện.

Vì vậy, tôi bắt đầu nghiên cứu cách cầu nguyện và lý do Chúa Giê-su cầu nguyện, đồng thời khám phá ra năm lý do thực sự thúc đẩy để cầu nguyện.

Cầu nguyện xây dựng mối quan hệ của tôi với Chúa Giê-xu

Lần đầu tiên tôi được kêu gọi đến sự cầu nguyện bởi vì đó là phương tiện chính để xây dựng mối quan hệ yêu thương của tôi với Chúa Giê-xu Christ. Giờ hãy nghe tôi - điều này rất quan trọng. Cơ Đốc Giáo không phải là chú tâm vào các quy tắc. Mà đó là mối quan hệ.

Chắc chắn Đấng Christ có các tiêu chuẩn, nhưng chúng ta không trở thành Cơ Đốc Nhân vì chúng ta đạt được các tiêu chuẩn. Chúng ta trở thành Cơ Đốc Nhân vì chúng ta tiếp nhận Đấng Christ, Đấng yêu thương chúng ta, chết vì chúng ta, sống trong chúng ta hàng ngày.

Vậy thì điều tôi cần chính là xây dựng mối quan hệ yêu thương của tôi với Ngài. Tôi phải học cách để cho Ngài ôm lấy tôi, quan tâm đến tôi, chỉ ra cho tôi những nhu cầu của tôi (và cách Ngài đáp ứng những nhu cầu đó). Tôi cần lắng nghe Ngài, và tôi rất cần trò chuyện với Ngài.

Trong Ê-phê-sô 3:14-19, Phao-lô cầu nguyện, “để anh em có thể thấu hiểu … chiều rộng, chiều dài, chiều cao, chiều sâu của tình yêu ấy, và biết được tình yêu thương của Đấng Christ, là tình yêu vượt quá mọi sự hiểu biết…” Từ “biết” trong đoạn văn này là cùng một từ được sử dụng cho sự gần gũi thân mật của một người chồng và người vợ trong sự ôm ấp tình dục. Phao-lô đang cầu nguyện rằng bạn và tôi sẽ kinh nghiệm được loại tình yêu đó với Đấng Christ – không phải tình dục, nhưng là sự thân mật, sâu sắc, gần gũi, không ràng buộc. Nó sâu sắc đến nỗi sau đó Phao-lô nói rằng nó “vượt quá mọi sự hiểu biết”.

Một nơi mà chúng ta có thể trải nghiệm điều này là ở trong sự cầu nguyện. Khi chúng ta “hạ mình và thành thật” trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta đang ở trên lãnh địa của Ngài theo một cách độc đáo. Chúng ta đến gần Ngài hơn trong lời cầu nguyện. Khi cầu nguyện, chúng ta có thể cầu nguyện để trải nghiệm tình yêu này, để được đắm mình trong tình yêu này, để học cách cho đi, học cách để tình yêu thấm vào những vết rạn nứt và những kẽ hở khô khan của đời sống chúng ta.

Tôi nghĩ rằng lý do chính của món quà cầu nguyện là chúng ta học cách tiếp nhận, kinh nghiệm và đáp lại tình yêu thương của Ngài trong mối quan hệ chân thành. Cầu nguyện là một nơi mà Đức Chúa Trời có thể đến với chúng ta (và chúng ta nghĩ rằng cầu nguyện là để đến với Ngài!), để Ngài phán dạy và giúp đỡ chúng ta. Đó là lý do tại sao Đa-vít cầu nguyện trong Thi Thiên 18:1, “Lạy Đức Giê-hô-va, Ngài là năng lực của con, con yêu mến Ngài.”

Cầu nguyện giúp chúng ta vượt qua cám dỗ

Sự cầu nguyện là một công cụ quan trọng để chúng ta vượt qua tội lỗi và cám dỗ. Có lẽ không có kinh nghiệm nào trong cuộc đời trần thế của Đấng Christ dạy cầu nguyện nhiều hơn trong Lu-ca 22:39-41. Lu-ca nêu rõ bối cảnh. Đó là đêm trước cái chết của Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu và các sứ đồ đã rời khỏi phòng cao và đi theo con đường ngoằn ngoèo mà họ biết rõ để lên Núi Ô-liu đến Ghết-sê-ma-nê. Chúa Giê-xu biết rằng chẳng bao lâu nữa họ sẽ gặp những cám dỗ lớn – khi Ngài bị bắt, bị thử thách, bị đánh đòn, bị nhạo báng, bị chối bỏ, bị đóng đinh trên thập tự giá.

Biết rõ rằng các môn đồ cần phải chịu đựng, Ngài nói với họ: “Ngài phán: “hãy cầu nguyện [để] các ngươi không sa vào cám dỗ.” Ý của Chúa là gì? Đơn giản cầu nguyện chính là liều thuốc giải độc của các môn đồ khi bị khuất phục trước những cám dỗ khi mà sự sợ hãi, chán nản và kinh hoàng sớm hiện đến. Lời cầu nguyện sẽ củng cố đức tin và lòng can đảm đang run rẩy của họ. Làm sao Chúa biết điều này? Bởi vì Ngài cũng đối mặt với bóng tối của chính Ngài. Thấp thoáng trong vài giờ sau đó là những lời lăng mạ, đánh đập cực hình, bị đóng đinh vào thập giá. Ngoài ra, Ngài sẽ gánh mọi tội lỗi của nhân loại, bao gồm tội lỗi của tất cả những kẻ lạm dụng tình dục trẻ em và những kẻ giết người hàng loạt và Adolph Hitlers ở mọi thời đại khác nhau. Bạn có thể tưởng tượng nỗi kinh hoàng chắc hẳn đã vây vây bắt lấy cổ họng của Ngài không? Chúng ta thật ngây thơ nếu chúng ta nghĩ rằng nhân tính của Chúa Giê-xu để từ bỏ sứ mệnh của Ngài, để tìm kiếm một con đường khác không hề hiện diện tại đây.

Vậy Ngài đã làm gì? Ngài đã làm mẫu chính xác những gì Ngài đã nói với các môn đồ của Ngài: Ngài cầu nguyện để Ngài có thể chiến thắng cám dỗ. Lu-ca cho chúng ta biết rằng những lời cầu nguyện của Ngài thật sự chân thành, những tranh chiến của Ngài rất khốc liệt, mồ hôi của Ngài đổ ra như máu, báo trước dòng chảy sẽ đến vào ngày mai. Ngài bắt đầu những lời cầu nguyện của Ngài: “Cha ơi! Nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi con…” Vào cuối giờ đó, cầu nguyện xong Ngài đứng dậy, sau khi đã thuận ý với Cha Ngài, “Xin ý Cha được nên, chứ không theo ý con.” Cầu nguyện là phương cách chiến thắng của Ngài. Chúa quay lại tìm những môn đệ của mình thì họ… đang ngủ! Ngài đã bảo họ cầu nguyện. Thay vào đó, họ làm theo phương châm của sinh viên đại học: “Khi không biết làm gì thì ngủ thôi!” Chúa đối mặt với sự mệt mỏi, sự cáu kỉnh của các môn đệ khi họ bị đánh thức, và Ngài nói lại câu Ngài đã nói (câu 46), “Hãy cầu nguyện để các con khỏi sa vào sự cám dỗ.”

Để ý rằng Chúa đã truyền mệnh lệnh ở đầu đoạn này, sau đó Ngài chứng minh điều đó ở đoạn giữa, và Ngài nhắc lại nó ở cuối đoạn này. Khi bạn gặp cám dỗ, HÃY CẦU NGUYỆN! Đó là những gì sẽ giúp sức cho bạn. Nhưng thay vào đó, chúng ta thường chỉ cầu nguyện sau khi đã đầu hàng. Còn việc coi cầu nguyện là lựa chọn đầu tiên của chúng ta để Chúa có thể ban cho chúng ta lòng can đảm và sức mạnh trước những cám dỗ thì sao? Nếu chúng ta cầu nguyện nhiều hơn, chúng ta sẽ ít đầu hàng hơn!

Cầu nguyện rất quan trọng trong việc xác định ý muốn của Đức Chúa Trời

Chúng ta cầu nguyện vì cầu nguyện là điều cốt yếu trong việc xác định ý muốn của Đức Chúa Trời… Đây là điều mà bạn có thể nghe được từ các Cơ Đốc Nhân: “Tôi cầu nguyện về những lựa chọn của mình, và khi tôi “bình an” về một trong các lựa chọn, thì tôi sẽ làm theo”. Tuy nhiên, điều đó thật sai lệch biết bao so với Lời Đức Chúa Trời. Cầu nguyện chắc chắn là thiết yếu trong việc xác định ý muốn của Chúa, nhưng không phải vì nó mang lại cho chúng ta sự bình an. Hãy để tôi cho bạn thấy suy nghĩ đó sai lầm như thế nào.

Có lần tôi hỏi một nhóm Cơ Đốc Nhân: “Có bao nhiêu người trong số các bạn đã từng chia sẻ đức tin của mình, làm chứng cho người khác về Chúa Giê-xu? Ngay trước khi bạn chia sẻ đức tin của mình, có bao nhiêu người trong số các bạn cảm nhận được cảm giác “bình an” ấm áp và êm đềm này? Hãy giơ tay lên. Hừm. Không có cánh tay nào cả! Bạn không thấy hơi sợ hãi, lo lắng sao? Lòng bàn tay của bạn có thể đổ mồ hôi. Đúng rồi, có khi tóc của bạn đổ mồ hôi. Không hề có cảm giác bình yên tuyệt vời khi đấy, nhưng bạn vẫn làm điều đó vì là ý muốn của Chúa, phải không? Ý muốn thực sự của Đức Chúa Trời thường đem đến những cảm giác hơi lo sợ chứ không phải những cảm giác mơ hồ ấm áp. Vậy chờ một chút. Vậy làm sao để lời cầu nguyện giúp xác định ý muốn của Chúa? Chúa Giê-xu một lần nữa cho chúng ta một minh chứng trong Phúc Âm Lu-ca. Đọc Lu-ca 6:12-16. Tại đây, Ngài cầu nguyện suốt đêm về việc chọn ra một nhóm môn đồ đặc biệt trong số hàng trăm người đã đi theo Ngài, mà ngày nay chúng ta gọi họ là các sứ đồ.

Cầu nguyện ích lợi như thế nào? Nó giúp ích theo cách mà John Wesley đã mô tả. Ông nói: “Tôi thấy rằng mục đích chính của việc cầu nguyện trong việc tìm kiếm ý muốn của Đức Chúa Trời là lời cầu nguyện đưa ý chí của tôi vào trạng thái không thiên vị. Một khi ý chí của tôi không có thành kiến ​​về vấn đề này, tôi thấy Đức Chúa Trời gợi ý cho tâm trí tôi những lý do tại sao tôi nên hoặc không nên theo đuổi một hướng đi nào đó”.

Vì vậy, mục đích chính của việc cầu nguyện là để chúng ta có được ý chí một cách khách quan! Mục đích không phải là để cho chúng ta một cảm giác thoải mái thư thả. Vì vậy, chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời về ý muốn của Ngài trong một số lĩnh vực, biết rằng có lẽ chúng ta đang nghiêng về một hướng nào đó. Trước tiên, chúng ta cầu xin Ngài giúp ý chí của chúng ta quay trở lại trung tâm - nghĩa là sẵn sàng làm bất cứ điều gì theo ý muốn của Ngài. Khi chúng ta ở vị trí đó (và có thể tốn thời gian cho việc này), Ngài cho chúng ta thấy qua tâm trí của chúng ta lý do tại sao phương án này tốt hơn phương án khác và đó là ý muốn của Ngài dành cho chúng ta.

Đây chỉ là phỏng đoán thôi, nhưng chắc hẳn Chúa Giê-xu đã có một cuộc trò chuyện dài với Đức Chúa Cha về những cá nhân và chọn ai làm những môn đồ thân cận nhất của Ngài. Chúa Giê-xu đã nói chuyện với Chúa Cha suốt đêm về điều này. Có thể Chúa Giê-xu có vài ưu tiên dành cho những người theo Ngài. Có lẽ Ngài đã có một danh sách - ít nhất là một danh sách trong tâm trí. Hẳn là Phi-e-rơ đã có tên trong danh sách, nhưng có lẽ Anh-rê thì chưa. Thô-ma chắc chắn sẽ không thuộc về danh sách nếu tôi là người lựa chọn, và ngay cả Si-môn Xê-lốt cũng vậy. Có lẽ họ cũng không ở trong tốp lựa chọn của Chúa Giê-xu. Tuy nhiên, nhờ công việc của Cha Ngài và bản chất đầu phục của Ngài trong sự cầu thay, Chúa Giê-xu đã hiểu rõ lý do tại sao cả ba người này cộng với chín người khác nên được gọi đến.

Việc tìm kiếm ý muốn của Đức Chúa Trời của chúng ta cũng có thể giống như vậy. Hãy cầu nguyện để ý chí của chúng ta(không phải cảm xúc) có thể được quy phục cho “bất cứ điều gì” thiêng liêng. Do đó, II Ti-mô-thê 1:7 trở nên sống động: “vì Đức Chúa Trời không ban cho chúng ta tinh thần nhút nhát, nhưng tinh thần mạnh mẽ, có tình yêu thương và tự chủ”. Khi chúng ta dành thời gian cầu nguyện với Chúa, Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta đến những ý tưởng, suy nghĩ, lý do, câu Kinh Thánh, là những điều sẽ bày tỏ ý muốn của Ngài cho chúng ta. Có thể mất nhiều ngày, nhiều tuần hoặc đôi khi nhiều tháng… nhưng để biết được ý muốn của Đức Chúa Trời thì chúng ta cần phải trò chuyện với Ngài về điều đó.

Cầu nguyện hoàn thành công việc của Đức Chúa Trời

Đây là động lực chính thúc đẩy tôi cầu nguyện, và nó bắt nguồn từ một trong những lời tuyên bố tuyệt vời nhất mà Chúa Giê-xu từng nói. Nó được tìm thấy trong Giăng 14:12-14. Thật sự rất tốt nếu bạn mở cuốn Kinh Thánh của mình tìm những câu đó vì bạn phải nhìn thấy chúng thì mới tin được.

Đó là đêm Bữa Tối Cuối Cùng, và Giu-đa đã bỏ đi để phản bội Chúa Giê-xu. Việc Giu-đa bỏ đi cho phép Đấng Christ truyền lại một số lời dạy cao trọng nhất trên thế gian của Ngài cho những người trung thành còn lại. Trong bối cảnh này, Chúa đang nói về thần tính của Ngài, sự kết hợp của Ngài với Đức Chúa Cha và các công việc của Đức Chúa Trời trên thế giới. Đột nhiên, Ngài đưa ra lời tuyên bố này: “Thật, Ta bảo thật các con, người nào tin Ta cũng sẽ làm những việc Ta làm, và sẽ làm những việc lớn hơn nữa, vì Ta đi về với Cha.”

Nhìn vào tuyên bố đó. Ngẫm nghĩ nó. Coi trọng nó. Học nó. “Người ấy sẽ làm.” Chúa Giê-xu đã không nói "họ sẽ làm." Chúa không nói, “tất cả những cá nhân kết hợp lại với nhau thì sẽ làm được.” Chúa đã sử dụng một đại từ số ít có nghĩa là một người. “Những việc Ta làm và những việc vĩ đại hơn hơn nữa” là lời tuyên bố của Ngài.

Chúa chúng ta đã làm những công việc gì trên đất? Ồ, chỉ một số ít thôi: làm sạch người phong cùi, chữa lành người bệnh, công bố tự do cho kẻ bị giam cầm, dạy dỗ hàng chục ngàn người, dẫn hàng ngàn người đến sự cứu rỗi, làm cho kẻ chết sống lại, chữa lành những người mù bẩm sinh. Thật đơn giản! Tuy nhiên, sự thật rõ ràng trong lời tuyên bố của Chúa Giê-xu là điều kiện duy nhất để làm những công việc như vậy là “[người nào] tin TA”. Nghĩa là gì?

Câu 13 và 14 liên quan trực tiếp đến câu 12. “Các con nhân danh Ta cầu xin bất cứ điều gì, Ta sẽ làm cho, để Cha được tôn vinh nơi Con”. Và, vì Ngài biết họ sẽ không hiểu ngay lần đầu tiên (và chúng ta cũng vậy), Ngài lặp lại điều đó: “Nếu các con nhân danh Ta cầu xin bất cứ điều gì, Ta sẽ làm cho.”

Cầu nguyện là cách những công việc vĩ đại của Chúa được hoàn thành! Hầu hết chúng ta sẽ không trở thành những người truyền bá Phúc Âm trên khắp thế giới, mặc dù một số ít sẽ như vậy. Hầu hết chúng ta sẽ không có ân tứ chữa bệnh, mặc dù một số người sẽ có. Hầu hết chúng ta sẽ không trở thành những nhà giảng đạo và giáo viên vĩ đại, mặc dù một số người sẽ như vậy. Nhưng mỗi người chúng ta đều có thể quỳ xuống và cầu nguyện. Chúng ta có thể cầu nguyện, xin Chúa Giê-xu chạm đến những nhóm người hư mất trên trái đất và giúp kéo họ ra khỏi bóng tối vĩnh cửu để đến với sự sống vĩnh cửu. Qua lời cầu nguyện, chúng ta có thể tham gia vào quyền năng chữa lành của Đấng Christ đang lan rộng cả về mặt y tế và phép lạ trên khắp trái đất. Mỗi người chúng ta đều có thể cầu nguyện, xin Chúa Giê-xu ngăn chặn những thế lực suy đồi đạo đức đang đe dọa nhấn chìm sâu thẳm tâm hồn con người. Mỗi người chúng ta có thể làm được những điều này nhờ lời cầu nguyện của mình!

Ngày hôm nay, nếu muốn, tôi có thể dành 15 phút thay mặt cho mọi người, tác động đến họ vì Chúa và vì cớ sự tốt lành. Hôm nay, tôi có thể dành 20 phút để chạm vào tâm trí Hồi giáo cố thủ của Mullah ở Ả Rập Saudi hoặc các nhà sư Phật giáo khổ hạnh ở Nepal. Hôm nay, tôi có thể chống lại nội dung khiêu dâm, hiếp dâm, loạn luân và lạm dụng trẻ em ở các thị trấn xa xôi của đất nước này. Bởi vì, khi tôi nói chuyện với Chúa trong phòng khách, văn phòng, hay nhà thờ của mình, Ngài cũng chính là Đức Chúa Trời đến với các gia đình, đến Nepal, đến Ả Rập, đến điện Kremlin, đến từng ngôi nhà. Tôi tham gia với Ngài, không chỉ qua những nỗ lực và công việc ở vị trí địa lý của tôi, mà còn trên khắp thế giới trong việc hoàn thành công việc của Ngài qua những lời cầu nguyện của tôi. Tôi có loại ân tứ, tài năng hay tính cách nào không quan trọng; điều quan trọng duy nhất là tôi dành thời gian này để hợp tác với Ngài trong lời cầu nguyện của mình. Và đó cũng là tất cả những gì quan trọng đối với bạn. Cầu mong chúng ta “hiểu được điều đó” trước khi thời gian qua đi. Chúa Giê-xu phán: “…sẽ làm những việc lớn hơn nữa; vì Ta đi về cùng Cha.” Bất cứ điều gì mang lại vinh quang cho Đức Chúa Cha, Chúa Giê-xu nói: “hãy cầu xin Ta…Ta sẽ làm cho.”

Cầu nguyện là vũ khí trong cuộc chiến thuộc linh

Cầu nguyện là vũ khí chính trong cuộc chiến thuộc linh. Ê-phê-sô 6:10-20 nhắc nhở chúng ta rằng cuối cùng cuộc đấu tranh của chúng ta không phải là chống lại con người, mà là chống lại các thế lực và thần linh có sức mạnh. Bức tranh ở đây là của một cuộc chiến tranh. Cuộc sống của một Cơ Đốc Nhân không phải là một sân chơi; đó là một chiến trường.

Chúng ta được hướng dẫn bởi Phao-lô, một người lính có kinh nghiệm trong trận chiến này, để chuẩn bị thích hợp cho cuộc chiến của chúng ta. Bắt chước một chiến binh La Mã, chúng ta đội mão cứu rỗi, mặc áo giáp công chính, thắt lưng bằng lẽ thật, mang giày bằng sự chuẩn bị sẵn sàng của Phúc âm, thuẫn đỡ đức tin, gươm Thánh Linh (Lời của Đức Chúa Trời).

Dường như chúng ta đã có một bộ áo giáp và vũ khí hoàn chỉnh. Và nếu tôi đang viết đoạn văn này, tôi có lẽ sẽ nói: "Bây giờ hãy ra khỏi đó và chiến đấu!" Nhưng thật thú vị, Phao-lô không nói như vậy. Trên thực tế, ông đợi đến câu mười tám để tiếp cận với khẩu pháo hạng nặng của kho vũ khí này của Đức Chúa Trời… kiên trì cầu nguyện. Hãy lưu ý những gì ông nói: “Hãy dùng mọi lời khẩn nguyện… nài xin và cầu nguyện… và cầu nguyện…”

Trong hai câu Kinh Thánh, chúng ta được lệnh phải cầu nguyện năm lần khác nhau. Bạn có nghĩ rằng ông ấy (và Chúa) đang cố gắng làm rõ quan điểm không? Phao-lô đang cố gắng thu hút sự chú ý của chúng ta về sức mạnh của lời cầu nguyện trong việc đánh bại Sa-tan và các chiến thuật của hắn. Song song với đoạn văn này là II Cô-rinh-tô 10:3,4: “Chúng tôi dù sống trong thân xác, nhưng không chiến đấu theo cách xác thịt. Vũ khí chúng tôi dùng để chiến đấu không phải là những vũ khí xác thịt, mà là quyền năng của Đức Chúa Trời để phá đổ các thành lũy.”

Vũ khí của sự cầu nguyện làm yếu đi pháo đài của Sa-tan. Nó là khẩu đại bác, biến bức tường thành gạch vụn để quân đội có thể đi qua. Phúc Âm thường di chuyển chậm chạp vì quá trình cầu nguyện để làm suy yếu đã bị bỏ quên. Tuy nhiên, khi được thực hành, sự cầu nguyện “đẩy lùi gió” cho những người lính của Đấng Christ.

Ví dụ, cách đây vài năm, tại một trường đại học danh tiếng của Mỹ, một nhà quản lý đầy quyền lực đã ngăn cản việc bố trí thêm những nhân viên Cơ Đốc làm việc trọn thời gian trong trường vì chính ông ta không tin vào Phúc Âm. Các sinh viên Cơ Đốc trong trường trước tiên phải cầu nguyện. Cảm thấy rằng không ai có quyền ngăn cản các sinh viên nghe về Đấng Christ, họ cầu nguyện rằng Đức Chúa Trời sẽ thay đổi tấm lòng của người đàn ông này hoặc loại bỏ ông ta khỏi vị trí của mình. Trong sáu tháng, họ cứ trung tín cầu nguyện.

Đột nhiên, không có lý do “rõ ràng”, ông ta được chuyển sang một vị trí khác và một người thay thế được gọi đến. Trong số những câu hỏi đầu tiên mà người thay thế hỏi là: “Tại sao không có nhiều nhân viên Cơ Đốc hơn trong trường?” Những con gặt đến, và Phúc Âm phát triển. Cầu nguyện là chìa khóa để chiến đấu trong trận chiến thuộc linh này.

Tái bản bởi sự cho phép của Dan Hayes