×
TÌM KIẾM

ĐỪNG NÍN THỞ

Cách để luôn ở gần Chúa…

Bởi Rick James

Khi chúng ta bắt đầu mối quan hệ với Đấng Christ, chúng ta thường trải qua giai đoạn “trăng mật”. Mối quan hệ của chúng ta, mối thông công của chúng ta vừa được phục hồi với Đức Chúa Trời. Mọi tội lỗi của chúng ta đều được tha thứ. Mọi thứ thật tuyệt vời.

Và nó thật sự tuyệt vời.

Nhưng trong một thế giới sa ngã, tuyệt vời không phải là hoàn hảo. Và nó cũng chẳng kéo dài khi giai đoạn “trăng mật” kết thúc. Chúng ta thường nhận thấy có nhiều rác rưởi trong mối quan hệ giữa chúng ta với Đấng Christ.

Chúa đã ban cho chúng ta một tấm lòng mới, một động lực mới, một hướng đi mới nhưng con người cũ chúng ta không chịu rời đi trong giai đoạn “trăng mật”. Nó cứ lẩn trốn trong nhà xe.

C.S. Lewis từng nói: “Bạn chỉ biết được sức mạnh của gió khi bạn cố gắng đi ngược chiều với nó.”

Lewis ý muốn nói rằng bạn chỉ biết được sức mạnh của tội lỗi khi bạn muốn ngừng phạm tội. Đây là thời điểm những người tin bắt đầu bước đi với Chúa và bắt đầu đấu tranh với tội lỗi và sự mặc cảm tội lỗi.

Khi tôi còn là một Cơ Đốc Nhân trẻ, điều đầu tiên tôi biết mình cần thay đổi đó là ngôn ngữ của tôi. Tôi nói tục không hề ngượng nghịu. Mỗi một câu tôi nói đều chứa những từ tục tĩu. Và tôi nhớ lại buổi đầu tiên học Kinh Thánh, không một ai sử dụng những từ tục tĩu tôi hay nói. Tôi nhận ra mình phải thay đổi. Và tôi đã thay đổi.

Điều vi diệu đó là bất cứ ai cũng có thể thay đổi thói quen xấu của mình. Bất cứ ai cũng có thể đặt mục tiêu cá nhân cho năm mới. Tôi có thể dừng việc chạy xe tốc độ cao, nhưng việc thay đổi sự bạo lực, giận dữ, thiếu kiên nhẫn lại là những vấn đề có rễ đâm sâu.

Tôi nghĩ khi chúng ta thấy bản thân tăng trưởng trong sự thánh khiết, chúng ta nhận ra rằng bề nổi của vấn đề là hành vi nhưng ở dưới đáy sâu là vấn đề tội lỗi. Tôi nghĩ tại thời điểm này chúng ta nhận ra mình đang vượt quá giới hạn. Tôi nghĩ lúc đó chúng ta nhận ra mình không thể biến đổi chính mình. Nhưng những suy nghĩ đó không thể ngăn chúng ta nỗ lực cố gắng.

Bạn biết đấy, tôi nghĩ chúng ta đều có những chiến lược cơ bản để đối mặt với tội lỗi hoặc che đậy tội lỗi. Đầu tiên, chúng ta cố gắng hết sức. Khi điều đó không hiệu quả, chúng ta củng cố sức mạnh ý chí với những lời thề, lời hứa. “Tôi sẽ không làm như vậy lần nào nữa. Tôi sẽ không làm thế nữa.”

Sau đó, chúng ta lại tái phạm. Sau đó chúng ta hợp lý hóa nguyên nhân và từ chối. Tôi nghĩ trong số chúng ta bắt đầu nghĩ như thế này: “Bạn thấy đó, nếu nó không được công nhận là tội lỗi, nếu nó không hẳn là tội thì có vẻ nó không phải là tội lỗi.” Hoặc là “Nếu ai đó khiến tôi làm vậy thì nó không phải là tội.”

Nhưng cách đó không phải lúc nào cũng hiệu quả và chúng ta dần thừa nhận một số kiểu khước từ bản thân. Vậy còn có ai cần đến Chúa Giê-xu chết trên thập tự giá khi mà chúng ta có thể tự đóng đinh chính mình? Vậy chúng ta chọn hành hạ chính mình. “Này kẻ ngu ngốc kia, mày lại phạm phải điều đó nữa sao?” Tôi đoán rằng vài người trong chúng ta cảm thấy mình có thể chịu được án phạt với tội lỗi của chúng ta.

Với tư tưởng này, mọi niềm vui, mọi sức sống trong đời sống theo Chúa của chúng ta đều bị rút cạn.

Việc bước đi với Chúa dường như không có gì hơn là việc quản trị tội lỗi. Nhưng trong Giăng 10:10, Chúa Giê-xu phán rằng: “Kẻ trộm chỉ đến để cướp, giết, và hủy diệt; còn Ta đã đến để chiên được sự sống và sự sống sung mãn.” Thật sự có một đời sống sung mãn trong đời sống Cơ Đốc Nhân.

Vậy khi chúng ta là những người tin, việc xưng nhận tội lỗi là giải pháp của Đức Chúa Trời cho tội lỗi chúng ta. Và có 3 yếu tố để xưng nhận tội lỗi. Yếu tố đầu tiên là yếu tố khó nhất. Không phải vì nó khó thực hiện, nhưng vì nó lạ với chúng ta. Điều chúng ta cần làm khi chúng ta phạm tội hay bị cáo trách tội lỗi, chúng ta cần dừng lại… và đồng ý với Chúa là những gì chúng ta đã làm là tội lỗi. Trong I Giăng 1:9 chép rằng, “Còn nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín, công chính sẽ tha tội cho chúng ta và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính.”

Yếu tố thứ hai, chúng ta đồng ý rằng Chúa Giê-xu đã chết trên thập tự giá vì án phạt của tội lỗi đó. Yếu tố thứ ba, chúng ta đồng ý xoay khỏi tội lỗi và trở về với Chúa, đó là sự ăn năn.

Nếu bạn nghĩ về quá trình bạn trải qua khi bạn phạm tội cho đến khi bạn đến trước mặt Chúa. Bạn có thể nhận ra bạn có vấn đề tội lỗi. Ví dụ như tôi đang câu cá, và tâm trí tôi bắt đầu thả trôi. Sau đó nó chú ý tới một người nữ với bộ đồ tắm thiếu vải. Bây giờ, có thể tôi bị cáo trách về tội lỗi mình… đó là tôi có sự ham muốn. Okay, bây giờ có một vài lựa chọn. Tôi có thể hợp lý hóa nó. “Này, tôi là một chàng trai, bạn biết đấy, tôi có thể làm gì?”

Hay tôi có thể biện minh, “Này, tôi chưa có ngoại tình hay làm gì cả.”

Hay tôi có thể đổ lỗi, “Sao cô ấy lại đi ra đây và ăn mặc như thế này chứ?”

Hoặc tôi có thể xưng nhận. Tôi đồng ý với Chúa điều tôi vừa làm là tội lỗi. “Lạy Chúa Giê-xu, con đã có ham muốn… trong lòng và trong tâm trí của con. Xin tha thứ cho con.” Tôi đồng ý là Đấng Christ đã trả án phạt dành cho tội lỗi đó. “Chúa ơi, con cảm tạ Ngài đã trả hình phạt dành cho tội lỗi của con.” Tôi đồng ý xoay khỏi nó. “Chúa ơi, không muốn mình gian dâm. Con muốn sống một cuộc đời trong sạch và thánh khiết.”

Đó là quá trình của sự xưng nhận tội lỗi. Chúng ta làm nó mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi khi chúng ta phạm tội.

Khi chúng ta xưng nhận tội lỗi, chúng ta được tẩy sạch khỏi nó. Và mối thông công của chúng ta với Chúa được phục hồi. Điều đó làm bạn cảm thấy tốt hơn đúng không? Ý tôi là, hãy hít vào một hơi sâu. Nó sẽ làm bạn cảm thấy tuyệt vời. Nhưng chúng ta có một vấn đề cuối cùng và đây là nó.

Làm cách nào để chúng ta không tái phạm lần nữa, lần nữa và lần nữa?

Tôi nghĩ, là Cơ Đốc Nhân, chúng ta nhận biết chúng ta có sự sống đời đời và chúng ta được tha thứ khỏi mọi tội lỗi của chúng ta. Nhưng nhiều lần tôi nghĩ chúng ta quên mất Thần của Chúa sống trong chúng ta. Chúng ta không bị bỏ mặc để tự lực bước đi theo Chúa Giê-xu.

Đức Thánh Linh dẫn dắt, hướng dẫn và ban quyền năng cho chúng ta, thúc đẩy chúng ta. Thực tế trong Ê-phê-sô 5:18, Đức Chúa Trời lệnh cho chúng ta, Ngài phán rằng: “Hãy đầy dẫy Thánh Linh.” Bây giờ, nó trở thành sự hợp tác, chúng ta phải vào vai trò của mình. Chúa ở vai trò dẫn dắt, hướng dẫn và ban quyền năng. Vai trò chúng ta gồm có 2 điều. Đầu tiên là chúng ta cần phải cứ ở trong Ngài. Cứ ở trong Ngài là từ mà Chúa Giê-xu dùng để mô tả và ý nghĩa thực chất là “hãy tự nhiên như ở nhà với…”

Trách nhiệm của chúng ta làm làm cho mình ở với Chúa Giê-xu như ở nhà mỗi ngày. Điều đó nghĩa là chúng ta cần phải gần gũi với Ngài xuyên suốt cả ngày, nhiều hết mức có thể.

Điều đó không có nghĩa là chúng ta cầu nguyện một lần trong ngày nhưng chúng ta sẽ cầu nguyện xuyên suốt cả ngày. Điều đó nghĩa là mọi lúc chúng ta kinh nghiệm được điều gì đó chúng ta cảm tạ Ngài. Chúng ta cảm tạ Ngài suốt ngày dài. Tôn vinh Chúa xuyên suốt, bất kể điều gì đến với tâm trí chúng ta, hãy ngợi khen Chúa. Cứ ngợi khen Ngài. Và xưng nhận tội lỗi khi chúng ta phạm tội, khi chúng ta được Thánh Linh cáo trách, hãy xưng nhận. Khi chúng ta ngợi khen, cảm tạ và xưng nhận, và cầu nguyện, chúng ta luôn ở trong sự gần gũi với Chúa suốt cả ngày.

Chúng ta ở trong Ngài, và kết quả là Thánh Linh được tự do hoàn toàn để ban quyền năng và biến đổi chúng ta.

Điều thứ hai là sự tin cậy. Khi bạn để ý ai đó đi vòng vòng với chai nước hoặc ly cà phê. Xuyên suốt trong ngày, họ có thể nhấp một ngụm bất cứ lúc nào họ cần.

Nó là một loại cơ chế phụ thuộc. Nếu họ cảm thấy cô đơn, họ nhấp một ngụm. Nếu họ đang cảm thấy sợ hãi, họ nhấp một ngụm. Nếu cần suy nghĩ, họ nhấp một ngụm. Bất cứ khi nào họ cảm thấy có nhu cầu, họ nhấp một ngụm. Cùng với ý nghĩa đó, bước đi trong Thánh Linh là hướng cơ chế đó về phía Đức Chúa Trời.

Và điều đó có nghĩa là suốt cả ngày, bất cứ lúc nào chúng ta cảm thấy cần. “Lạy Chúa, xin ban cho con sự khôn ngoan. Chúa ơi, con cần sức mạnh ngay bây giờ. Chúa ơi, con không biết phải làm gì. Xin Chúa cho con sự chỉ dẫn.”

Khi chúng ta càng nương cậy Đức Chúa Trời và càng gần gũi với Ngài, Thánh Linh của Đức Chúa Trời có thể dẫn dắt, hướng dẫn và thêm sức cho chúng ta.

Vâng, chúng ta đã thảo luận rất nhiều thứ ở đây. Và tôi muốn bạn có thể nhớ những gì chúng ta thảo luận. Vì vậy, tôi sẽ sử dụng hình ảnh minh họa về hơi thở, được chứ? Khi hít thở, bạn sẽ thở ra và hít vào.

Thở ra và Hít vào

Thở ra giống như xưng tội. Thở ra khí thải. Hãy nhớ sự xưng tội thực sự có ba điều. Bạn đang đồng ý với Chúa về tội lỗi của bạn. Bạn đang đồng ý rằng Đấng Christ đã trả giá cho tội lỗi đó. Và bạn đang đồng ý từ bỏ tội lỗi đó để ăn năn. Đó là thở ra, bạn thở ra khí thải. Được chứ?

Hít vào, thực sự là dựa vào quyền năng của Chúa Thánh Linh. Nghĩa là bạn đang tin cậy Thánh Linh của Đức Chúa Trời dẫn dắt và hướng dẫn. Bạn đang tin rằng Đức Chúa Trời sẽ làm điều đó. Và vì Đức Chúa Trời ra lệnh cho chúng ta phải đầy dẫy Thánh Linh, nên chúng ta có thể tin cậy Ngài làm điều đó.

Vì vậy, khi chúng ta hít vào, chúng ta đang nói: “Lạy Chúa xin hãy đổ đầy con, xin ban sức mạnh cho con, xin hãy hướng dẫn con. Và con tin Ngài sẽ làm điều đó.”

Vì vậy, chúng ta hít vào và chúng tôi thở ra. Chúng ta xưng tội và chúng ta trông cậy nơi Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Cũng giống như việc hít thở, đây không chỉ là việc bạn làm mỗi ngày một lần. Đó là suốt cả ngày. Vì vậy, hãy làm điều này cả ngày, hít vào và thở ra. Bất cứ khi nào bạn phạm tội, đó là thở ra (xưng nhận tội lỗi) và hít vào (tin cậy Thánh Linh của Đức Chúa Trời hành động trong đời sống bạn).

Lúc đầu, nó có vẻ hơi không quen một chút, nhưng hãy tin tôi, trong một thời gian ngắn, nó sẽ tự nhiên như là việc thở.

Chúa đã ban cho chúng ta cho một loại đời sống mới. Một người thoát khỏi quyền lực của tội lỗi và ở trong sự mật thiết với Ngài.

Một minh họa cuối cùng. Hãy tưởng tượng bạn đang cố gắng lặn với bình khí đang cạn. Bạn đang chìm dưới sức nặng của tất cả lượng nước đó, hoàn toàn bị cắt đứt nguồn cung cấp oxy. Đó là lý do tại sao việc sử dụng quyền năng của Đức Thánh Linh qua hơi thở thuộc linh là rất quan trọng. Không có nó, chúng ta bị cắt đứt khỏi những nguồn tài nguyên thuộc linh cần thiết để sống đời sống Cơ Đốc Nhân. Sức nặng tuyệt đối của tội lỗi và những giới hạn của con người lấn át chúng ta. Nó đè bẹp chúng ta và chúng ta không thể duy trì nó. Nhưng khi được Đức Thánh Linh ban năng lực, chúng ta có thể được Chúa đưa đến những nơi mới tuyệt vời mà chúng ta chưa từng nghĩ đến. Tất cả những gì chúng ta cần phải làm là thở.