Biết Chúa Giê-xu
Hãy xem sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu về danh tính của Ngài, Ngài đã nói gì về chính Ngài…
Steven L. Pogue
Nếu bạn đã dâng đời mình cho Đấng Christ, thì bạn có mối quan hệ với Ngài. Đó là một khởi đầu tuyệt vời! Việc phát triển mối quan hệ đó bao gồm việc biết về Ngài nhiều hơn.
Cách tốt nhất để tìm hiểu về Chúa Giê-xu là đọc những lời tuyên bố của Ngài liên quan đến danh tính của Ngài trong các sách Phúc Âm. Các sách Phúc Âm là bốn cuốn sách đầu tiên trong Tân Ước và kể về “Tin Lành” (là ý nghĩa của Phúc Âm) về Chúa Giê-xu Christ. Chúng được viết vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên và dựa trên lời kể của các nhân chứng về cuộc đời của Chúa Giê-xu.
Chúa Giê-xu sinh ra vào khoảng năm thứ 4 hoặc năm thứ 5 trước Công nguyên. (Lịch của chúng ta hơi lệch một chút so với mốc này.) Quốc gia Y-sơ-ra-ên nằm dưới sự chiếm đóng của chính phủ La Mã và người Do Thái đã chiến đấu để duy trì bản sắc dân tộc. Tất cả người Do Thái trung thành đều nuôi hy vọng rằng một ngày nào đó Đấng Mê-si sẽ xuất hiện và mang đến sự cứu rỗi cho quốc gia bằng cách lật đổ sự cai trị của La Mã. Đấng Mê-si (Messiah) là một từ tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “Đấng được xức dầu”.
Phần lớn các câu chuyện Phúc Âm được dành cho ba năm mà Chúa Giê-xu đã trải qua để phục vụ quanh Biển Ga-li-lê ở miền bắc Y-sơ-ra-ên. Các câu chuyện ấy kể với chúng tôi về cuộc sống và giáo lý của một con người độc đáo. Các sách Phúc Âm giải thích rằng Chúa Giê-xu đã thể hiện quyền năng siêu phàm của mình bằng cách chữa lành người bệnh, người mù và người què; bằng cách làm cho kẻ chết sống lại; bằng cách đi bộ trên mặt nước và dẹp yên cơn bão biển. Sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu không đặt nặng chủ nghĩa luật pháp nghiêm ngặt và sự ngoan đạo vốn là đặc điểm rõ nét của đạo Do Thái đương thời. Ngài trở nên cực kỳ nổi tiếng giữa vòng dân chúng ở Ga-li-lê.
Trong suốt chức vụ của mình, Chúa Giê-xu liên tục hướng dân chúng đến với Ngài. Dân chúng muốn có một nhà giải phóng chính trị. Cơ sở tôn giáo lại muốn vị trí quyền lực và lòng mộ đạo của họ được công nhận. Chúa Giê-xu chẳng chiều lòng nhóm nào.
Chúng ta hãy xem xét bốn sự kiện trong Phúc Âm Giăng để xác định những gì Chúa Giê-xu tuyên bố về chính Ngài.
Giăng 5: Chúa Giê-xu dạy rằng Đức Chúa Trời là Cha của Ngài
Trong Phúc Âm Giăng chương 5, Chúa Giê-xu bị các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái buộc tội vì đã chữa lành một người tàn tật vào ngày Sa-bát ("Ngày nghỉ ngơi" của người Do Thái). Họ coi bất kỳ nỗ lực nào trong ngày đó là vi phạm mệnh lệnh của Đức Chúa Trời nhằm duy trì ngày đó như một ngày nghỉ ngơi. Qua nhiều thế kỷ, họ đã hệ thống hóa một cách tỉ mỉ những gì được phép, và hành động của Chúa Giê-xu đã phơi bày ra những quy tắc nghiêm ngặt của họ.
Chúa Giê-xu bảo vệ hành động chữa bệnh vào ngày Sa-bát bằng cách giải thích rằng Đức Chúa Trời, với tư cách là Đấng làm vững lập vũ trụ này, không bao giờ nghỉ ngơi mà liên tục hoạt động. Và Đức Chúa Trời luôn làm điều tốt lành trong lịch sử loài người. Vì Đức Chúa Trời không thể ngừng công việc của Ngài: “Nhưng Ngài phán với họ: “Cha Ta vẫn đang làm việc cho đến bây giờ, Ta cũng làm việc như vậy.” Vì thế, các nhà lãnh đạo Do Thái càng muốn giết Ngài, vì Ngài không chỉ phá luật ngày Sa-bát mà còn gọi Đức Chúa Trời là Cha, tự cho mình bình đẳng với Đức Chúa Trời. (Giăng 5:17,18).
Người Do Thái coi lời tuyên bố về thần tính của Chúa Giê-xu là một lời phạm thượng độc ác. Trong nhiều thế kỷ bị ngoại bang chiếm đóng, nhiều người Do Thái đã chịu đựng đau khổ khủng khiếp để trung tín thờ phượng Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời có một và chân thật. Làm sao Chúa Giê-xu, một người Do Thái nhân lành, lại có thể nghĩ đến việc nói rằng Ngài bình đẳng với Đức Chúa Trời?
Giăng 8: Chúa Giê-xu dạy rằng Ngài luôn hiện hữu
Ba chương sau trong Phúc Âm Giăng, Chúa Giê-xu lại nói chuyện với các nhà lãnh đạo Do Thái. Ngài đã ở Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Lều Tạm, một lễ kỷ niệm sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời cho Môi-se và dân tộc Y-sơ-ra-ên trong cuộc hành trình của họ từ Ai Cập đến Đất Hứa.
Trong cuộc trò chuyện này, Chúa Giê-xu đã tuyên bố vài điều. Ngài nói rằng Ngài là sự sáng của thế gian, rằng Ngài có thể giải thoát con người khỏi tội lỗi và bất cứ ai tin Ngài sẽ không chết. Các nhà lãnh đạo Do Thái một lần nữa vô cùng tức giận trước những tuyên bố có vẻ phi lý của Ngài nhưng rõ ràng đã quyết định chiều ý Ngài, hy vọng sẽ tiết lộ những điểm mâu thuẫn của Ngài. Ngay cả Áp-ra-ham, người sáng lập Do Thái giáo đáng kính, cũng không tuyên bố mình là bất tử, vậy làm sao Chúa Giê-xu có thể tuyên bố điều này? Chúa Giê-xu đáp: “Cha các ngươi là Áp-ra-ham vui mừng mong được thấy ngày của Ta; người đã thấy và mừng rỡ.”
Những người Do Thái nói: “Thầy chưa đầy năm mươi tuổi mà đã thấy Áp-ra-ham!”
Đức Chúa Giê-xu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, trước khi Áp-ra-ham hiện hữu, Ta hằng hữu.”
Họ liền nhặt đá để ném Ngài…(Giăng 8:56-59)
Những nhận định của Chúa Giê-xu thậm chí còn gây kích động hơn vì cách Ngài sử dụng từ “Ta hằng hữu”. Trong Cựu Ước, Môi-se đã nhìn thấy một bụi gai cháy khi ông đang chăn chiên trong sa mạc. Đến gần bụi gai, Đức Chúa Trời bất ngờ nói với Môi-se và bảo ông hãy trở về Ai Cập và dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi ách nô lệ. Đức Chúa Trời bảo đảm với Môi-se rằng Ngài sẽ ở cùng ông.
Môi-se hỏi Đức Chúa Trời nên nói ai đã sai ông. Đức Chúa Trời trả lời: “TA LÀ ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU. Ngài lại phán: “Hãy nói với dân Y-sơ-ra-ên rằng: ‘ĐẤNG TỰ HỮU đã sai tôi đến với anh em.’ ” (Xuất Ai Cập 3:14). TA LÀ ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU không phải là một danh hiệu dành cho Đức Chúa Trời như là dấu hiệu cho thấy Đức Chúa Trời hoàn toàn có khả năng giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi ách nô lệ. Chúa Giê-xu đã gán cho chính Ngài danh hiệu và quyền năng này.
Giăng 10: Chúa Giê-xu dạy rằng Ngài bình đẳng với Đức Chúa Trời
TLời tuyên bố thứ ba này được ghi lại trong chương thứ mười của sách Giăng. Nó diễn ra vào Lễ Kỷ Niệm Cung Hiến Đền thờ, hay còn gọi là Hanukkah. Chúa Giê-xu lại đến Giê-ru-sa-lem, và có nhiều suy đoán trong đám đông cũng như các nhà lãnh đạo tôn giáo: Chúa Giê-xu sẽ công bố rằng Ngài là Đấng Mê-si? Truyền thống luôn dạy rằng Đấng Mê-si sẽ được hiển lộ trong một buổi lễ như vậy.
Các nhà lãnh đạo Do Thái vây quanh Chúa Giê-xu và hỏi Ngài có phải là Đấng Mê-si không. Có thể đó là sự tò mò thực sự, nhưng nhiều khả năng họ có ý gài bẫy Chúa Giê-xu, buộc Ngài phải nói điều gì đó khiến Ngài bị bắt và hành quyết. Thay vì cho họ một câu trả lời trực tiếp, Chúa Giê-xu nói rằng Ngài đã nói cho họ biết Ngài là ai và họ không tin Ngài:
“Chiên Ta nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta…Cha Ta, Đấng vĩ đại hơn tất cả, đã cho Ta những chiên ấy…Ta với Cha là một.”
Một lần nữa, những nhà lãnh đạo Do Thái lại nhặt đá để ném Ngài.
Đức Chúa Giê-xu nói với họ: “Ta đã bày tỏ cho các ngươi nhiều việc tốt đẹp từ Cha. Vậy, vì cớ gì mà các ngươi ném đá Ta?”
Những người Do Thái đáp: “Chúng tôi không ném đá ông vì một việc tốt đẹp, nhưng vì lời phạm thượng; bởi ông là con người mà tự cho mình là Đức Chúa Trời.” (Giăng 10:27-33).
Giăng 11: Chúa Giê-xu dạy rằng Ngài ban sự sống đời đời
La-xa-rơ, bạn thân của Chúa Giê-xu, bị ốm nặng. Ông sống ở Bê-tha-ni, cách Giê-ru-sa-lem chưa đầy hai dặm về phía đông. Lúc bấy giờ, Chúa Giê-xu ở xa hơn nhiều dặm về phía đông, đang thi hành chức vụ dọc theo sông Giô-đanh. Sau khi nghe tin La-xa-rơ lâm bệnh, Chúa Giê-xu đợi hai ngày rồi mới ra đi. Khi Ngài đến Bê-tha-ni, La-xa-rơ đã chết và được chôn.
Ma-thê, chị gái của La-xa-rơ, ra đón Chúa Giê-xu và kêu lên rằng nếu Chúa Giê-xu đến sớm hơn thì anh của cô vẫn còn sống. Sau đó, cuộc đối thoại diễn ra như thế này:
Đức Chúa Jêsus nói: “Anh con sẽ sống lại.”
Ma-thê thưa: “Con biết anh con sẽ sống lại trong kỳ phục sinh vào ngày cuối cùng.”
Đức Chúa Jêsus nói với Ma-thê: “Ta là sự sống lại và sự sống. Người nào tin Ta thì sẽ sống, mặc dù đã chết rồi. Còn ai sống mà tin Ta thì sẽ không bao giờ chết. Con tin điều đó không?”
Ma-thê đáp: “Vâng, thưa Chúa, con tin rằng Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, Đấng phải đến thế gian.” (Giăng 11:23-27)
Chúa Giê-xu đến gần hang mộ, nơi chôn cất La-xa-rơ. Khi cầu nguyện lớn tiếng, Ngài cảm ơn Cha vì đã lắng nghe Ngài: “Con biết Cha luôn nhậm lời Con, nhưng Con nói điều nầy vì những người đang đứng quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con đến.” (Giăng 11:42) . Cầu nguyện xong, Chúa Giê-xu truyền cho La-xa-rơ rời khỏi mộ, và người chết đi ra, thân thể vẫn còn quấn vải liệm.
Lời tuyên bố của Chúa Giê-xu về thần tính có ý nghĩa gì
Chúa Giê-xu đưa ra những lời tuyên bố có vẻ phi lý về chính Ngài: bình đẳng và hiệp một với Đức Chúa Trời, có trước sự hiện hữu vĩnh cửu và nguồn gốc của sự sống vĩnh cửu. Đây không phải là những tuyên bố của một người bình thường (ít nhất là một người lành lặn). Chúa Giê-xu cũng tuyên bố rằng Ngài có thẩm quyền cuối cùng trên khắp đất, rằng một ngày nào đó Ngài sẽ trở lại và phán xét thế giới, rằng Ngài có thể tha thứ tội lỗi và Ngài là con đường duy nhất để đến với Đức Chúa Trời. Ngài phán rằng Ngài có thể ban sự sống và thỏa mãn cơn đói lớn nhất của nhân loại. Ngài tự gọi mình là Con Người, một thuật ngữ tiên tri trong Cựu Ước về Đấng Mê-si-a. Ngài cho phép những người khác thờ phượng Ngài mặc dù người Do Thái chỉ thờ phượng một mình Đức Chúa Trời.
Trong phiên tòa trước khi bị đóng đinh, các nhà lãnh đạo Do Thái đã nói điều này với quan tổng trấn La Mã là Phi-lát: “Chúng tôi có luật, chiếu theo luật ấy nó phải chết, vì nó tự xưng là Con Đức Chúa Trời.” (Giăng 19:7). Chúa Giê-xu người Na-xa-rét bị giết không phải vì những gì Ngài đã làm, mà vì Ngài tuyên bố Ngài là ai. C.S. Lewis, giáo sư văn chương Đại học Cambridge, người đã có một hành trình từ chủ nghĩa hoài nghi đến Cơ Đốc Giáo, có lần nhận xét: “Tôi đang cố gắng ngăn cản bất kỳ ai nói điều thực sự ngu ngốc mà người ta thường nói về Ngài rằng: 'Tôi sẵn sàng chấp nhận Chúa Giê-xu là một người thầy đạo đức vĩ đại, nhưng tôi không chấp nhận tuyên bố của Ngài là Chúa.' Đó là điều duy nhất chúng ta không được nói. Một người bình thường nói những lời tương tự Chúa Giê-xu đã nói thì người đó không thể trở thành một thầy đạo đức vĩ đại được. Người đó hoặc là một kẻ mất trí — ngang hàng với người nói rằng mình là một quả trứng luộc — hoặc là Ác quỷ của Địa ngục. Bạn phải đưa ra lựa chọn của mình, hoặc người đàn ông này đã và đang là Con của Thượng Đế: hoặc là một kẻ điên hoặc một thứ gì đó tồi tệ hơn.”1
Cuộc đời và sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu là duy nhất
Trong số tất cả những người sáng lập ra các tôn giáo lớn trên thế giới, chỉ có một mình Đấng Christ tuyên bố mình là Đức Chúa Trời! Áp-ra-ham, Mô-ha-mét, Khổng Tử, Đức Phật – không ai tự xưng là Chúa (Thượng Đế). Ví dụ, Đức Phật đã nói với các đệ tử của Ngài vào lúc gần cuối đời rằng đừng lo nhớ đến Ngài, mà hãy nhớ lời dạy của Ngài về Con đường giác ngộ.
Mỗi người trong số những người sáng lập các tôn giáo trên thế giới này có thể tách rời khỏi giáo lý của mình mà không gây ra tổn thất hoàn toàn và không thể khắc phục đối với tôn giáo đó. Nhưng Cơ Đốc Giáo được xây dựng trên Đấng Christ: Ngài tuyên bố là ai và Ngài đã làm gì. Sự giảng dạy của Ngài gần như tự cho mình là trung tâm một cách thật khó xử. Có thể nói gì khác về một người tuyên bố rằng: “Ta là đường đi, chân lý và sự sống. Chẳng bởi ta thì không ai được đến với Cha” (Giăng 14:6)? Nhưng nếu lời tuyên bố của Chúa Giê-xu là đúng, thì lời tuyên bố của ngài tràn đầy hy vọng. Chúng ta có thể biết Đức Chúa Trời vì Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời.
Hoàn toàn là Đức Chúa Trời và hoàn toàn là con người
Chúa Giê-xu Christ không chỉ hoàn toàn là Đức Chúa Trời, mà Ngài còn hoàn toàn là con người. Chúa đã trải qua đói khát, cô đơn và nỗi đau bị phản bội, từ chối. Ngài chịu khổ hình với thân thể trần truồng bị treo trên thập giá. Ngài đã trải qua những cám dỗ. Ngài thực sự đã ăn, đã khóc trước cái chết của một người bạn và mất máu khi bị đóng đinh. Ngay cả sự phục sinh của Ngài cũng là vật chất hiện hữu thật. Chúa Giê-xu Christ hoàn toàn là con người.
Việc Chúa Giê-xu Christ hoàn toàn là Đức Chúa Trời và hoàn toàn là con người thì có ý nghĩa gì với chúng ta?
1. Vì Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời, nên Ngài xứng đáng để chúng ta thờ phượng. Chúng ta nên đối xử với Ngài như Đức Chúa Trời, với sự tôn kính và tôn trọng. Chúa Giê-xu không phải là bạn bè ngang hàng chúng ta; Ngài là Chúa của chúng ta.
Quyền tể trị của Chúa Giê-xu có nghĩa là để Ngài hướng dẫn mọi lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta: không chỉ sự thờ phượng tôn giáo và lòng sùng kính riêng tư của chúng ta, mà cả sự nghiệp, gia đình, tài chính, thái độ của chúng ta. Việc biết Đấng Christ sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng ta với những người khác và những gì chúng ta xem trên truyền hình. Trao cho Đấng Christ quyền kiểm soát những lĩnh vực này không phải để đưa chúng ta lên thiên đàng; [trao cho Đấng Christ quyền kiểm soát] là một đáp ứng đối với mối quan hệ vĩnh cửu của chúng ta với Ngài. Ngài là Chúa quyền năng của bạn, Hãy Yêu Ngài, Thờ Phượng Ngài.
2. Vì Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời nên Ngài có thể giải quyết mọi nan đề của chúng ta. Không có gì chúng ta phải đối mặt mà Chúa không thể vượt qua. Chúa Giê-xu là “ĐẤNG TỰ HỮU VÀ HẰNG HỮU” có thể làm được mọi việc. Chúa Giê-xu tuyên bố rằng Ngài có thể khiến mọi sự hiệp lại làm ích lợi cho đời sống của chúng ta (Rô-ma 8:28). Trên thực tế, Ngài “có thể làm trổi hơn mọi điều chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng” (Ê-phê-sô 3:20). Khi bạn hiểu rõ hơn về Chúa Giê-xu, tôi hy vọng bạn sẽ thấy rằng Ngài có quyền năng để thực hiện trong cuộc đời bạn những gì Ngài đã hứa.
3. Vì Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời nên Ngài có thể hòa giải chúng ta với Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu còn hơn cả một người bạn. Ngài là Cứu Chúa của chúng ta.
4. Vì Chúa Giê-xu hoàn toàn là con người nên Ngài có thể đồng cảm với mọi nhu cầu và vấn đề của chúng ta. Không có gì chúng ta trải qua mà Ngài không thể hiểu được: “Vì chính Ngài chịu khổ trong khi bị cám dỗ, nên có thể giúp đỡ những ai bị cám dỗ.” (Hê-bơ-rơ 2:18). Khi sống giữa chúng ta, Chúa Giê-xu hoàn toàn hiểu tất cả những gì chúng ta cảm nhận.
5. Bản tính hoàn toàn là con người của Chúa Giê-xu khẳng định nhân tính của chúng ta. Chúng ta không trở nên Cơ Đốc Nhân nhiều hơn bằng cách trở nên ít giống con người hơn. Đức Chúa Trời tạo ra chúng ta theo hình ảnh của Ngài và muốn chúng ta tận hưởng cuộc sống với mọi khả năng được ban cho. Ngài ban cho mỗi người chúng ta những tài năng và khả năng mà Ngài muốn chúng ta phát triển.
Điều này không có nghĩa là theo Đấng Christ sẽ giúp bạn khỏe mạnh và giàu có (mặc dù theo Ngài sẽ khiến bạn trở nên khôn ngoan!).
Sẽ có những hy sinh cá nhân. Bạn có thể phải từ bỏ những gì thoải mái: lối sống cũ, những thói quen riêng tư, con đường sự nghiệp, thành công về tài chính, thậm chí cả mạng sống của bạn. Nhưng hãy để sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu trong cuộc đời bạn, học hỏi từ Ngài, nương cậy nơi Ngài. Đó là những gì làm cho cuộc sống tuyệt vời.
Nếu bạn chưa bao giờ cầu xin Chúa Giê-xu bước vào cuộc đời mình, thì đây là cách bạn có thể làm điều đó: Biết Chúa cách cá nhâ.
(1) C.S. Lewis, Thuần tuý Cơ Đốc Giáo (New York: Macmillan, 1952), trang 55-56. Được cho phép sử dụng.